Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
2/27/2024 12:00:00 AM | 22306
Theo Phó Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thống kê, Tổng cục Thống kê Cao Văn Hoạch, điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (Điều tra DSGK 2024) là cuộc điều tra chọn mẫu thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia, ban hành theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ [tải về]. Đây là cuộc điều tra được tiến hành giữa hai kỳ của Tổng điều tra dân số.
Điều tra được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh, thành phố), gồm tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (huyện) ngoại trừ 4 huyện đảo nhỏ là: Bạch Long Vỹ (TP. Hải Phòng); Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị); Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng); Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) với các mục đích chính sau:
Thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2026-2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (viết gọn là Tổng điều tra 2019); làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020-2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.
Thời gian thu thập thông tin trong Điều tra DSGK 2024 bắt đầu từ ngày 01/4 đến ngày 30/4/2024. Thời điểm điều tra là 0h ngày 01/4.
Năm điểm mới trong điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024
So với các cuộc điều tra trước về dân số, Điều tra DSGK 2024 có một số điểm mới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, kết quả Điều tra DSGK 2024 góp phần thực hiện Đề án 06. Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng và là một trong những cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Để phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) theo Quyết định số 06/QĐ-TTg. Đề án 06 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện nhiệm vụ thống kê, phân tích dân số, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí nhà nước. Kết quả của Điều tra DSGK 2024 góp phần thực hiện nhiệm vụ này của Tổng cục Thống kê.
Thứ hai, đối tượng điều tra có sự thay đổi. Trong các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở đã thực hiện cũng như các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hằng năm, đối tượng điều tra của cuộc điều tra chỉ bao gồm người có quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên khác với cuộc điều tra trước đó, đối tượng điều tra của Điều tra DSGK 2024 là hộ dân cư và nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư, không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an.
Bên cạnh đó, trong cuộc điều tra DSGK 2024 lần này, người có quốc tịch nước ngoài lần đầu tiên được đưa vào là đối tượng điều tra, nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế về thống kê dân số, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để "không ai bị bỏ lại phía sau". Công tác thu thập thông tin đối với người nước ngoài được quy định cụ thể như sau:
Đối với hộ có người nước ngoài sống cùng người Việt Nam: Thu thập các thông tin như đối với người Việt Nam (trường hợp người nước ngoài nghe và nói được tiếng Việt: Phỏng vấn trực tiếp người nước ngoài; trường hợp người nước ngoài không thể nghe và nói được tiếng Việt: Hỏi thông tin về người nước ngoài qua người Việt Nam sống cùng trong hộ).
Đối với hộ chỉ bao gồm người nước ngoài: Sử dụng phiếu dành riêng cho người nước ngoài chỉ gồm 10 câu hỏi để thu thập thông tin về giới tính, tuổi, quốc tịch, nơi sinh, tình trạng di chuyển, tình trạng nhà ở của hộ (phiếu điều tra được dịch ra 6 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để phù hợp nhất với hộ người nước ngoài được chọn).
Thứ ba, Điều tra DSGK 2024 có quy mô mẫu lớn. Điều tra DSGK 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu, thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Dàn chọn mẫu sử dụng trong Điều tra DSGK 2024 là dàn mẫu tổng thể của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TĐTDS 2019). Điều tra DSGK 2024 có cỡ mẫu 20% địa bàn điều tra của cả nước (tương đương 39.340 địa bàn), mẫu được chọn ở tất cả các huyện với quy mô mẫu đảm bảo các chỉ tiêu về quy mô dân số được đại diện đến cấp huyện (khoảng trên 1,1 triệu hộ mẫu). Do đó, quy mô mẫu của Điều tra DSGK 2024 là khá lớn.
Thứ tư, kết hợp phương pháp thu thập thông tin trực tiếp và gián tiếp: Trong Điều tra DSGK 2024 lần này thu thập thông tin đối với đối tượng điều tra là người nước ngoài ngoài. Do đó, ngoài phương pháp thu thập thông tin phỏng vấn trực tiếp như các cuộc điều tra trước đây, Điều tra DSGK 2024 còn kết hợp phương pháp gián tiếp, áp dụng đối với những hộ mà toàn bộ thành viên là người nước ngoài, không giao tiếp được bằng tiếng Việt.
Thứ năm, sử dụng kết hợp công cụ thu thập thông tin là phiếu điều tra điện tử và phiếu điều tra in trên giấy: Điều tra DSGK 2024 sử dụng phiếu điều tra điện tử cài đặt trên thiết bị di động là chính. Bên cạnh đó còn sử dụng phiếu điều tra in trên giấy để gửi đến hộ kèm Thư gửi hộ đối với những hộ mà toàn bộ thành viên là người nước ngoài, không giao tiếp được bằng tiếng Việt.
Ngoài ra còn một số điểm mới liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin, xử lý, tích hợp kết quả và một số khâu khác của cuộc điều tra. Để chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc điều tra quan trọng này, các tổ công tác đã được thành lập ở cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố với thành phần là ngành Thống kê, các bộ, sở ngành liên quan như công an, y tế, tư pháp.../.