Trang chủ

Điều tra dân số

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 – dấu ấn quan trọng trong thống kê

 5/6/2024 12:00:00 AM |  

 Nhân dịp Tổng cục Thống kê Việt Nam ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho biết, việc triển khai trên diện rộng các lễ ra quân điều tra dân số và nhà giữa kỳ năm 2024 là một dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực thống kê vì kết quả của cuộc điều tra này sẽ là nền tảng để đưa ra các quyết định chính sách quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam.

Theo ông Matt Jackson, Tổng cục Thống kê đã từng bước khẳng định được năng lực tổ chức và chuyên môn của mình để thực hiện cuộc Điều tra quy mô lớn này. “Chúc cho cuộc điều tra được thực hiện thành công. Tôi hy vọng kết quả của cuộc điều tra sẽ được công bố vào cuối năm nay và như vậy ít nhất 20 chỉ số Phát triển bền vững quan trọng sẽ được cập nhật trong lộ trình đến năm 2030” - ông Matt nói.

Cũng theo ông Matt, UNFPA Việt Nam tự hào được đồng hành cùng Tổng cục Thống kê trong gần 50 năm qua. Những quốc gia có dữ liệu chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và giải quyết được các nhu cầu của người dân. Dữ liệu tốt hơn - Cuộc sống tốt hơn. Trước đó gần đây nhất, vào tháng 12/2023, UNFPA đã hợp tác với Tổng cục Thống kê để công bố kết quả nghiên cứu tổng quan Tài khoản Chuyển nhượng Quốc gia của Việt Nam – một nguồn dữ liệu có giá trị khác hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách.

Đánh giá về thực tế công tác thống kê tại Việt Nam, vị Trưởng đại diện này khẳng định, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia. Chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; hoặc hệ thống đăng ký, thống kê hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý. Tuy nhiên, những cơ sở dữ liệu đó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và do vậy chúng ta vẫn cần tiếp tục cải thiện hạ tầng cơ sở dữ liệu. Đó là lý do tại sao cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ này là cần thiết để thu thập bằng chứng thông tin quan trọng về tiến độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh chóng. Việc thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch ngành cũng như Kế hoạch Hành động Quốc gia về thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống số liệu, thống kê chất lượng và tin cậy nhằm xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá tiến độ đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội và phát triển bền vững.

Chính vì vậy, cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ năm 2024 đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới với dân số trên 100 triệu người. Việt Nam đang trải qua những thay đổi đáng kể về nhân khẩu học với tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Cuộc điều tra lần này sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng chưa có trong cơ sở dữ liệu dân số hiện tại hoặc các nguồn dữ liệu hành chính khác, như lịch sử sinh sản của phụ nữ, tử vong, di cư, mất cân bằng giới tính khi sinh, khuyết tật, hôn nhân/tảo hôn, trình độ học vấn, lực lượng lao động và nhà ở.

Dữ liệu từ cuộc điều tra sẽ được sử dụng để cập nhật các chỉ số Phát triển Bền vững của quốc gia và để so sánh với kết quả của các cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở trước đây, cũng như để xác minh lại một số chỉ số dự báo dân số quốc gia đến năm 2069.

Quan trọng hơn, như ông Matt nhận định, sau khi hoàn thành cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, Tổng cục Thống kê sẽ đúc kết các bài học kinh nghiệm từ quá trình chuẩn bị điều tra, xác định các cơ hội để tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu và tìm cách áp dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ quá trình tạo dữ liệu, giảm thiểu sai số chủ quan và tiết kiệm chi phí. Những bài học như vậy sẽ vô cùng quan trọng cho công tác chuẩn bị Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2029.

“Khai thác các nền tảng kỹ thuật số cho các cuộc khảo sát quy mô lớn và sử dụng ứng dụng CNTT sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tạo dữ liệu, đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống cơ sở dữ liệu, giúp liên kết các cơ sở dữ liệu hiện có, bao gồm cả các nguồn dữ liệu hành chính. Những lợi ích thiết thực như vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua việc đưa ra các quyết định chiến lược, cải thiện chất lượng dịch vụ và huy động các nguồn lực sẵn có để phát triển kinh tế xã hội” – ông Matt chỉ rõ.

Thay mặt UNFPA, Trưởng đại diện UNFPA cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam và Tổng cục Thống kê nhằm tạo ra và tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu có chất lượng hướng tới thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững ở Việt Nam.

HA.NV (lược ghi)


Bài viết cùng chuyên mục

• TỌA ĐÀM ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở GIỮA KỲ NĂM 2024

• Hà Nội- Thường Tín hoàn thành điều tra giữa kỳ về dân số và nhà ở năm 2024

• Bắc Giang hoàn thành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

• Rà soát kỹ lưỡng kết quả điều tra dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ 2026 - 2030

• Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 – dấu ấn quan trọng trong thống kê

• Cần Thơ- Hoàn thành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024